Chống thấm cho nhà ở là một vấn đề cực kì quan trọng và luôn được lưu tâm trong xây dựng nhà ở. Đặc biệt, với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của các nước khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, việc chống thấm cho nhà ở càng trở nên quan trọng hơn. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhà ở bị thấm là do sự thay đổi của thời tiết làm cho vật liệu xây dựng, tường, sàn bị giãn nở, tạo ra những vết nứt và kẽ hở khiến nước từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào bên trong. Việc xử lý chống thấm nên được chủ động thực hiện ngay từ ban đầu. Đối với những ngôi nhà cũ và xuống cấp, việc chống thấm trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn những thông tin và giải pháp tối ưu trong xử lý chống thấm cho nhà xuống cấp, để bạn có thể an tâm với ngôi nhà của mình trong mùa mưa bão.
Chống thấm cho tường cũ
Tường là đối tượng dễ bị thấm và cần được xử lí trong những ngôi nhà xuống cấp. Nhà ở xuống cấp với hình ảnh thường thấy là những bức tường bị nứt, lớp sơn bong tróc khiến nước dễ dàng xâm nhập.
Đối với những bức tường bị thấm ở nhà cũ xuống cấp, đầu tiên, bạn phải cạo sạch lớp sơn bị bong tróc của tường, sau đó vệ sinh sạch những chỗ bị thấm, thường sẽ có lớp rong rêu bao phủ. Sau đó, tìm những kẽ hở, vết nứt lớn do vật liệu xây dựng lâu ngày bị co giãn, dùng hồ vữa trám những vết hở này lại với tường nội thất, và dùng bột chuyên dụng dành cho tường ngoại thất.
Tiếp theo là đến bước xử lý bằng sơn chống thấm, phủ một đến hai lớp sơn chống thấm, với điều kiện bề mặt sơn cần được sạch sẽ và khô thoáng, độ ẩm yêu cầu của tường là nhỏ hơn 16%. Bước này được thực hiện khi bạn đã làm sạch tường cũ, nếu không thì lớp sơn mới sẽ không đảm bảo chất lượng.
Tham khảo top10 màu sơn nhà đẹp được sử dụng nhiều nhất năm 2018
Chống thấm cho trần nhà
Trần nhà cũng là đối tượng dễ bị thấm và xuống cấp, nguyên nhân chính là do ống thoát nước chạy trong sàn hoặc hộp kỹ thuật bị vỡ, hư hỏng, hoặc do sàn (đặc biệt là sàn nhà vệ sinh hoặc tầng tượng) xử lý chống thấm ở những bước đầu không tốt…
Để xử lý chống thấm trần, đầu tiên, bạn cần tìm hiểu vị trí gây ra hiện tượng thấm ở trần. Nếu nguyên do nằm ở đường ống kỹ thuật, bạn cần thay mới hoặc đấu nối lại ống. Còn nếu nguyên do nằm ở lớp sàn chống thấm chưa tốt, đầu tiên, bạn làm sạch như với chống thấm tường, và trám những chỗ hở bằng hỗn hợp xi măng, cát, chất chống thấm. Tiếp theo sẽ phủ lên lớp chống thấm nhiều lần, hoặc có thể lát gạch mới. Với sàn nhà vệ sinh, bạn lưu ý quét lớp chống thấm lên cả chân tường khoảng 30cm, vì đây cũng là một vị trí dễ dàng bị thấm do tiếp xúc với nước nhiều. Sau đó cán một lớp vữa xi măng có trộn chất chống thấm vào vị trí này để tạo dốc thu nước về sàn rồi lát gạch như cũ.
Gia cố hệ thống thoát nước
Như đã đề cập ở trên, hệ thống thoát nước bị hư hỏng trong quá trình sử dụng là nguyên nhân dẫn đến thấm trần nhà. Trong một số trường hợp còn gây mốc tường do các ống thoát nước ở trần hoặc ban công bị tắc nghẹt do rác, nước mưa. Việc gia cố hệ thống thoát nước ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình xử lý chống thấm cho nhà ở xuống cấp. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm tra và thay mới những ống nước đã hỏng và kém chất lượng, bạn còn nên lưu ý kiểm tra hệ thống ống thoát sau những cơn mưa lớn để tránh tình trạng tắc và nghẹt ống.
Che chắn cho bề mặt tường
Sau khi đã kiểm tra và sửa chữa những chỗ bị thấm ở tường và trần, bạn nên áp dụng những biện pháp che chắn cho bề mặt tường và trần như lát gạch mới, lợp thêm một lớp mái che cho trần nhà. Đối với tường ngoại thất, bạn có thể trồng cây leo như cây hoa giấy, cây leo phát triển sẽ giúp ổn định lượng nhiệt tiếp xúc với tường, vì vậy tường sẽ ít co giãn hơn, đồng thời bảo vệ tường ngoại thất phần nào trước những trận mưa lớn. Và quan trọng, cây xanh sẽ tạo cho ngôi nhà cũ một sức sống và sinh khí mới, một việc làm mà có đến hai lợi ích, thật tuyệt phải không bạn?
Bình luận
Gowlylago
Comeoff
Viết bình luận